19/02/2018
15

Chàng trai khao khát ghi tên Việt Nam tại giải Dù lượn Thế giới 2018

Mở văn phòng kiến trúc nhưng Lê Hoàng Bách (sinh năm 1979) đang khao khát lập thành tích tại giải World Cup Dù lượn Thế giới diễn ra tại Australia vào đúng dịp Tết cổ truyền 2018 của Việt Nam (từ 17 đến 24⁄2).

1_84285

Bách ham thích khám phá bầu trời mà khi còn là học sinh THPT
Hành trình dài nỗ lực tập luyện
Phi công Lê Hoàng Bách (sinh năm 1979), đang mở văn phòng kiến trúc tại Hà Nội. Song, ngoài công việc kỹ thuật này, Bách còn có niềm đam mê đặc biệt dành cho môn thể thao Dù lượn.
Bách kể, từ năm 1996, vì tò mò và ham thích khám phá bầu trời mà khi còn là học sinh (HS) THPT, Bách đã tham gia CLB Nhảy dù của Cung thiếu Nhi Hà Nội.
Tuy nhiên, thời điểm đó, các học viên vẫn phải phụ thuộc vào kế hoạch huấn luyện của CLB nên Bách thật sự chưa thấy thỏa mãn. Sau 10 năm tập nhảy dù từ máy bay, đến 2005 khi vào TP.HCM công tác, Bách có cơ hội gặp gỡ một vài người bạn đang tập dù lượn. Điểm thú vị nhất và khác biệt với dù nhảy từ máy bay là dù lượn luôn được mở sẵn sàng và phi công có thể quyết định bay với dù bất cứ lúc nào.
Với dù lượn, phi công còn có thể điều chỉnh bay lên cao nếu biết cách tận dụng được các điều kiện tự nhiên (gió) còn với dù nhảy từ máy bay thì người nhảy chỉ có một hướng là rơi xuống phía dưới. Cũng chính vì thế mà Bách đã bị môn thể thao Dù lượn thu hút.
Bách cho biết, Dù lượn là môn thể thao đòi hỏi phi công phải có sự khéo léo và sự tập trung cảm nhận và quan sát. Bạn trẻ sẽ được trang bị kiến thức cơ bản và trải qua chương trình huấn luyện trong điều kiện thời tiết tốt từ 6 đến 8 ngày là có thể tự bay theo sự giám sát của huấn luyện viên. Tuy nhiên, đó chỉ là “bay được”, còn bay tốt và biết làm chủ kỹ thuật bay lại đòi hỏi một hành trình dài và nỗ lực tập luyện của phi công.
Chẳng hạn, để làm chủ được cánh dù theo ý muốn có phi công mất hàng năm nhưng với người có năng khiếu đặc biệt thì trong vòng 6 tháng cũng đã làm được. Dù lượn chia nhiều cấp độ tương ứng với các mức độ chuyên nghiệp trong ngành thể thao hàng không.
Môn Dù lượn có thể gây nguy hiểm khi phi công không được huấn luyện bài bản từ những chương trình chuyên nghiệp. Một khi bạn trẻ có được bước khởi đầu tốt và thói quen chuyên nghiệp thì môn này lại cực kỳ an toàn. Thậm chí, theo Bách, hệ số an toàn còn cao hơn nhiều lần so với việc tham gia… giao thông đường bộ hay chơi môn thể thao trên mặt đất hay dưới nước. Để tránh tai nạn, các phi công thường phải chuẩn bị thêm dù dự phòng để sẵn sàng xử lý tình huống khi dù chính bị hỏng.
Bản thân Bách có tới 2 dù dự bị khi tham gia tranh tài tại các cuộc thi quốc tế. Trong sự nghiệp bay của mình, Bách thi thoảng cũng gặp một vài sự cố như lần cất cánh dù bị vướng cây và một lần phải sử dụng dù phụ để hạ cánh do Bách đánh giá điều kiện bay không phù hợp.
Mỗi lần mắc lỗi lại là một lần giúp Bách trưởng thành hơn. Hiện nay Bách đang là vận động viên (VĐV) cao cấp P5 Hiệp hội Úc (HGFA #2206754) 2010-2013 , VĐV Cấp độ P5 Hiệp hội Dù lượn Nhật Bản (JHF#218902) từ năm 2016 và là thành viên của Hiệp hội Thể thao hàng không thế giới FAI- CIVL#266035.
Tự do như cánh chim trời
Hơn 10 năm gắn bó với Dù lượn, đã có rất nhiều chuyến bay để lại ấn tượng với Bách. Như lần tập dù lượn đầu tiên cùng huấn luyện viên vào năm 1995 ở đồi cát Mũi Né, Bách đã vô cùng hạnh phúc khi được “bay” tự do như chim giữa bầu trời xanh.
Mặc dù chuyến bay đó chỉ cao hơn 50m, không thấm tháp gì so với những chuyến bay mang tính chuyên nghiệp sau này nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của Bách. Hay là chuyến bay ở Manila-Tamworth Australia vào cuối năm 2012, Bách đã lần đầu tiên vượt được quãng đường hơn 120 km.
Sau khi “hạ cánh” xuống đất, Bách không thể vẫy được xe để trở về điểm xuất phát mà phải ngủ lại bên vệ đường giữa sa mạc. May mắn đến nửa đêm có mấy thanh niên đi săn lợn hoang tìm thấy và chở Bách đến quán rượu ở thị trấn gần đó nghỉ để sáng hôm sau Bách đi xe buýt về.

2_144215
Bách vô cùng hạnh phúc khi được “bay” tự do giữa bầu trời xanh
Đến nay, Bách đã gặt hái những thành công nhất định trong môn nhảy Dù lượn. Trong Giải dù Vô địch Australia năm 2012, Bách đã lọt vào top 20. Tháng 2/2018, Bách được chọn tham gia giải Vô địch Quốc gia Australia theo hệ thống FAI-Cat2. Giải World Cup Dù lượn sẽ diễn ra ngay sau giải này 1 ngày và Bách đã lọt vào danh sách Wildcard của Ban tổ chức.
Dự định của Bách trong năm 2018 là sẽ đạt huy chương tại Asiad Games 2018 thứ hạng cao trong các vòng Pre World Cup và hi vọng lọt vào top 100 thế giới năm 2019. Đây là sự khẳng định khả năng của cá nhân nhưng còn để thế giới thấy người Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trong lãnh vực thể thao hàng không.
Lê Hoàng Bách tâm sự: “Dù lượn có độ chín muộn hơn nhiều so với các môn thể thao khác. Điểm rơi vào độ tuổi của phi công từ 35 đến 55. Các phi công vô địch thế giới gần đây đều khoảng 40-45 nên Bách vẫn còn “trẻ” và sắp tới tuổi giật giải… 
* Giải Australia Champion diễn ra từ ngày 10 đến 16/2 và ngay sau đó là World Cup Dù lượn Thế giới diễn ra từ 17 đến 24/2 vào đúng dịp Tết cổ truyền của Việt Nam. Lê Hoàng Bách đã có mặt tại Australia và sẽ tham gia cả hai giải này.

17992305_10206958847768291_2669157742665318668_n
Hoàng Vũ
Nguồn: Phunuvietnam.vn

Bình luận